Thứ bảy, Tháng mười 12, 2024
HomeGiải thưởng năm 2020CÔNG TRÌNH QUYỂN SÁCH “NHÂN SĨ TRÍ THỨC SÀI GÒN – GIA...

CÔNG TRÌNH QUYỂN SÁCH “NHÂN SĨ TRÍ THỨC SÀI GÒN – GIA ĐỊNH ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC” GIAI ĐOẠN 1930 – 1954

Công trình quyển sách "NHÂN SĨ TRÍ THỨC SÀI GÒN – GIA ĐỊNH ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC” GIAI ĐOẠN 1930 - 1954 được trao tặng Giải thưởng "Đại đoàn kết toàn dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh" lần II năm 2020.

Tác giả: Ông Nguyễn Trọng Xuất

Quyển sách được biên soạn theo Quyết định số 21/QĐ-MTTQ-BTT ngày 03 tháng 02 năm 2015 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo có đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố làm Trưởng Ban. Ban Biên soạn do ông Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Tổng thư ký Ban Biên soạn công trình “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến”, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn – Gia Định làm chủ biên, với sự tham gia của các nhà khoa học: PGS.TS Hà Minh Hồng – Nguyên Trưởng khoa Lịch Sử Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; TS. Phan Văn Hoàng – Nguyên Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Hồ Sơn Diệp – Giảng viên khoa Sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Trải qua 4 năm thực hiện, Ban Biên soạn đã hoàn thành bộ sử, được Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Thành ủy thẩm định và nghiệm thu ngày 20 tháng 9 năm 2018 và được xuất bản theo Giấy phép số 56/GP-STTTT/THTPHCM ngày 26 tháng 11 năm 2018.

Quyển sách căn cứ vào phân kỳ trong chính sử để chia thành các chương thể hiện các mặt hoạt động phong phú của phong trào nhân sĩ, trí thức hoặc sự phối hợp giữa phong trào nhân sĩ, trí thức với phong trào quần chúng khác, có tác động thực tế đến sự chuyển biến của tình hình chính trị xã hội Sài Gòn – Gia Định thời gian đó với 03 phần gồm: Phần mở đầu: Thời kỳ trước khi có Đảng; phần thứ nhất: Thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc đi theo quỹ đạo của Cách mạng vô sản (1930 – 1945); phần thứ hai: Nhân sĩ trí thức Sài Gòn – Gia Định đồng hành cùng dân tộc giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954).

Quyển sách là một công trình nghiên cứu, sưu tầm về lịch sử phong trào các nhân sĩ, trí thức Sài Gòn – Gia Định trong liên minh của đại gia đình trí thức Việt Nam, trong công cuộc kháng chiến chống Pháp với sự tham gia của hàng trăm bài viết rất có giá trị của các tác giả vốn là nhân chứng lịch sử, những người đã gắn bó một phần đời mình với các phong trào của nhân sĩ, trí thức Sài Gòn – Gia Định; trong đó ông Nguyễn Trọng Xuất với vai trò là chủ biên của quyển sách, ông là người đã phối hợp cùng Ban Liên lạc Trí vận – Mặt trận Khu ủy Sài Gòn – Gia Định để tập hợp tư liệu, ghi chép, hiệu chỉnh các bài viết từ các tác giả, chứng nhân lịch sử để hoàn thành công trình bộ sách, đặc biệt là việc chủ trì cùng nhóm nghiên cứu thực hiện sưu tập các tư liệu, bài viết trong thời kỳ Đảng Cộng sản lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc đi theo quỹ đạo của Cách mạng vô sản (1930 – 1945) và Nhân sĩ trí thức Sài Gòn – Gia Định đồng hành cùng dân tộc, giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954). Qua đó, bộ sách đã mô tả tương đối chi tiết về những nhân sĩ, trí thức Sài Gòn – Gia Định từ khi hình thành đội ngũ, gầy dựng lực lượng và phát triển phong trào liên tục cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời phản ánh sự kiện, con người đúng với bản chất sự kiện lịch sử diễn ra, tiếp tục khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hiệu triệu, tập hợp đoàn kết các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, nhân sĩ, trí thức và các thành phần xã hội, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, hạnh phúc.

Quyển sách “Nhân sĩ trí thức Sài Gòn – Gia Định đồng hành cùng dân tộc” (giai đoạn 1930 – 1954) không chỉ là lời tri ân với các thế hệ trí thức đã tham gia trong các phong trào đấu tranh cách mạng, vì hòa bình, độc lập cho dân tộc mà còn là tài liệu quí đóng góp vào quá trình tìm hiểu của đội ngũ cán bộ Mặt trận, thế hệ trẻ để thêm tự hào, tin tưởng, noi theo các thế hệ nhân sĩ trí thức của thời đại ấy.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

bài viết nổi bật