Thứ bảy, Tháng mười 12, 2024
HomeGiải thưởng năm 2020MÔ HÌNH “VẬN ĐỘNG GIỚI NỮ TRONG ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO TÍCH...

MÔ HÌNH “VẬN ĐỘNG GIỚI NỮ TRONG ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO TÍCH CỰC THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG AN SINH XÃ HỘI GÓP PHẦN XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC”

Mô hình “VẬN ĐỘNG GIỚI NỮ TRONG ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO TÍCH CỰC THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG AN SINH XÃ HỘI GÓP PHẦN XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC” được trao tặng Giải thưởng "Đại đoàn kết toàn dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh" lần II năm 2020.

Tác giả: Nữ tu Trần Thị Lý, Trưởng Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Từ Thiện Hy Vọng; nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2012 – 2017; nguyên Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Củ Chi nhiệm kỳ 2013 – 2018

Với tinh thần mục vụ và tâm nguyện sống tốt đời đẹp đạo, sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, Nữ tu luôn trăn trở suy nghĩ góp phần nhỏ sức lực của mình giúp đỡ những người khó khăn, người già, trẻ nhỏ, những mảnh đời bất hạnh nhất là các bệnh nhân nghèo, bệnh nhân khuyết tật, trẻ em mắc bệnh nan y,… nhưng vì hoàn cảnh khó khăn mà không có khả năng chữa trị. Với ý nghĩ và mong muốn đó, Nữ tu Trần Thị Lý đã vận động, tập hợp các chị em nữ tu của Cộng Đoàn Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ thành lập Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Từ Thiện Hy Vọng với mong muốn góp chút sức ít ỏi của bản thân và các nữ tu trong Cộng đoàn giúp đỡ, xoa dịu phần nào những nỗi đau, mất mát, mang đến một ít hy vọng, một tình người, một tấm lòng ấm áp đến với những mảnh đời bất hạnh. Phòng khám hoạt động từ tháng 10/2015, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 – 150 lượt bệnh nhân, đến nay đã điều trị cho hơn 3.000 bệnh nhân và thăm, khám hơn 100.000 lượt.

Ngoài ra, trong thời gian 02 nhiệm kỳ (08 năm, từ năm 2007 – 2015) làm Giám tỉnh Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Nữ tu Trần Thị Lý đã hướng dẫn 15 cộng đoàn trực thuộc Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tổ chức các sinh hoạt luôn chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật Nhà nước; tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, động viên các nữ tu trong Dòng dấn thân cho cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên như chăm sóc người bị bệnh phong cùi, bệnh nhân HIV tại Bệnh viện Nhân ái, trẻ em bị tự kỷ; mở 03 nhà nội trú cho các em học sinh ở vùng Tây Nguyên; thành lập 01 Trung tâm cho trẻ em bị khiếm thị; tổ chức 06 trường mầm non, trung bình mỗi cơ sở tiếp nhận dạy 400 em học sinh,…

Bên cạnh đó, Nữ tu Trần Thị Lý với vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (từ năm 2012 đến năm 2017), đại diện cho giới nữ tu, đã tham gia nhiều ý kiến góp ý thiết thực, hiệu quả cho các ngành trong việc xây dựng các dự án, các chính sách cho nữ giới tham gia các hoạt động trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách bình đẳng giới, tạo điều kiện cho nữ tu trong các cộng đoàn cũng như nữ giới tham gia tích cực các trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp phát động.

Song song đó, Nữ tu Trần Thị Lý và các vị nữ tu trong các Cộng đoàn của dòng; giới nữ trong đồng bào Công giáo tham gia ủng hộ các hoạt động từ thiện xã hội khác như tặng quà tết, tặng thẻ bảo hiểm y tế, học bổng cho học sinh và những hộ nghèo trên địa bàn xã với số tiền hơn 30 triệu đồng/năm.

Những đóng góp, việc làm của Nữ tu Trần Thị Lý trong thời gian qua đã góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội của Thành phố và nhiều tỉnh thành. Ngoài ra, Nữ tu Trần Thị Lý luôn giữ mối liên hệ gần gũi với các chức sắc, đồng bào các tôn giáo, có mối quan hệ gắn kết với các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và huyện Củ Chi; tích cực tham gia, ủng hộ các hoạt động do Mặt trận Tổ quốc địa phương phát động, góp phần xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Qua những việc làm trên, Nữ tu Trần Thị Lý đã được đông đảo bệnh nhân và gia đình quí mến; chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ luôn quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

bài viết nổi bật