Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
HomeGiải thưởng năm 2022SÁNG KIẾN "CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2002 -...

SÁNG KIẾN “CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2002 – 2022”

Sáng kiến "CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2002 - 2022" được trao tặng Giải thưởng "Đại đoàn kết toàn dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh" lần III năm 2022.

Đơn vị: Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh

Chương trình Bình ổn giá trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai lần đầu năm 2002 nhằm ổn định giá cả các mặt hàng Tết trong dịp Tết Nguyên đán; theo đó Thành phố Hồ Chí Minh ứng vốn ngân sách không tính lãi cho doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, giữ cố định giá trong 03 tháng trước, trong và sau Tết. Sau 20 năm triển khai thực hiện, Chương trình từng bước hoàn thiện, trải qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn 2002 – 2005: Chưa xác định mặt hàng, thực hiện trong thời gian cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Giai đoạn 2005 – 2010: Chương trình xác định mặt hàng cụ thể các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; xây dựng cơ chế thực hiện.

Giai đoạn 2010 – 2013: Chương trình phát triển về quy mô, bổ sung các mặt hàng sữa, dược phẩm, các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; triển khai xuyên suốt cả năm; xã hội hóa một phần nguồn vốn thực hiện bình ổn thị trường.

Giai đoạn 2013 – 2020: Huy động mọi nguồn lực xã hội, vận động các tổ chức tín dụng tham gia cung ứng vốn thực hiện Chương trình.

Giai đoạn 2020 – 2021: Ứng phó khẩn cấp dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Chương trình tiếp tục khẳng định vai trò điều tiết, hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó tình hình mới, từ đó doanh nghiệp chủ động phát huy tinh thần trách nhiệm cộng đồng; qua đó góp phần cùng Thành phố giải quyết được nhiều vấn đề, vướng mắc, duy trì cao nhất sự liên tục của các chuỗi cung ứng.

Giai đoạn 2021 đến nay: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Chương trình tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, phục hồi sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử, kết nối cung cầu hàng hóa; đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí trung gian trong lưu thông hàng hóa, giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng.

Từ nguyên tắc cố định giá; đến nay Chương trình thực hiện điều chỉnh giá bán linh hoạt, kịp thời; đảm bảo hợp lý, có khả năng dẫn dắt thị trường, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng và luôn thấp hơn thị trường từ 5% đến 10%.

Xuyên suốt 20 năm, Chương trình kiên trì các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời ưu tiên phát triển điểm bán và tổ chức bán hàng lưu động tại các quận ven trung tâm, huyện ngoại thành, khu dân cư tập trung đông người lao động thu nhập thấp, khu lưu trú công nhân, khu công nghiệp, khu chế xuất; góp phần thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường, quản lý giá trên địa bàn Thành phố đã được tăng cường, nâng cao tính chuyên nghiệp và sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quản lý thị trường và các sở ngành, quận, huyện, góp phần kiểm soát tốt thị trường, giá cả. Tác động của Chương trình không chỉ dừng lại trên địa bàn Thành phố mà còn lan tỏa đến nhiều địa phương khác trong cả nước; góp phần khai thác các tiềm năng và nâng quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa Thành phố với các địa phương, nhất là các tỉnh, thành Đông – Tây Nam bộ lên tầm cao mới, theo hướng thiết thực và hiệu quả, thể hiện trách nhiệm và vai trò đầu tàu thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

bài viết nổi bật