Tác giả: Ban Liên lạc Trí vận – Mặt trận Khu ủy Sài Gòn – Gia Định
Bộ sách “Nhân sĩ trí thức Sài Gòn – Gia Định đồng hành cùng dân tộc. Kỷ yếu truyền thống Ban Trí vận – Mặt trận Khu ủy Sài Gòn – Gia Định giai đoạn 1954 -1975” xuất bản năm 2013, được Ban Liên lạc truyền thống kháng chiến Ban Trí vận – Mặt trận Khu ủy Sài Gòn – Gia Định có ý tưởng biên soạn từ năm 2008 nhân dịp Kỷ niệm 40 năm cuộc tổng tiến công Xuân Mậu thân 1968 (2008 – 1968). Sau đó, Bộ sách được tiếp tục hoàn chỉnh và biên soạn theo Quyết định số 188/QĐ-UBMT ngày 17 tháng 11 năm 2011 và Quyết định số 84/QĐ-UBMT ngày 15 tháng 5 năm 2012 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố về việc thành lập Ban Biên soạn và về việc thành lập Hội đồng thẩm định bộ sách “Nhân sĩ trí thức Sài Gòn – Gia Định đồng hành cùng dân tộc – Kỷ yếu truyền thống Ban Trí vận – Mặt trận Khu ủy Sài Gòn – Gia Định giai đoạn 1954 – 1975”.
Bộ sách gồm 2 tập với nội dung tổng quan như sau:
Tập 1: Tổng quan về vị trí địa – chính trị của Sài Gòn – Gia Định, ý nghĩa và vai trò của cuộc đấu tranh phong phú và đặc sắc của giới nhân sĩ trí thức trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc; giới thiệu về các phong trào đấu tranh yêu nước của nhân sĩ, trí thức trong vùng đô thị, địch tạm chiếm và hoạt động của các vị tại vùng giải phóng với nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau; hoạt động của những cán bộ – chiến sĩ thầm lặng, bí mật – công khai tại nội thành trong Ban Trí vận – Mặt trận Khu ủy Sài Gòn – Gia Định.
Tập 2: Trình bày sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, quá trình thành lập cơ quan tham mưu của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, Ban Trí vận – Mặt trận – bộ phận tổ chức thực hiện của Khu ủy và Mặt trận Dân tộc Giải phóng – trực tiếp tham gia xây dựng các phong trào đô thị, phát huy vai trò quan trọng của giới trí thức trong liên minh chiến lược Công – Nông – Trí với nhiều nhân sĩ, trí thức uy tín và nổi tiếng và các chiến sĩ “thầm lặng” của Ban Trí vận – Mặt trận.
Cả bộ sách là một công trình nghiên cứu và biên soạn công phu, nghiêm túc, đã sưu tầm về lịch sử phong trào các nhân sĩ, trí thức Sài Gòn – Gia Định trong đại gia đình trí thức Việt Nam, trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước với sự tham gia của hàng trăm bài viết rất có giá trị sử liệu của các tác giả vốn là người trong cuộc, là nhân chứng lịch sử, những người đã gắn bó một phần đời mình, gia đình mình với các phong trào của nhân sĩ, trí thức Sài Gòn – Gia Định; trong đó tập thể Ban Liên lạc Ban Trí vận – Mặt trận Khu ủy Sài Gòn – Gia Định (viết tắt là Ban Liên lạc Trí vận) đã góp công rất lớn trong việc xây dựng ý tưởng, chủ đề tư tưởng nội dung đúng đắn của bộ sách, đã khéo vận động mọi người cùng có cách tham gia viết bài, kể chuyện, nhắc nhở không bỏ sót sự kiện dù nhỏ, lãng quên con người, khuyến khích chịu khó tập hợp tư liệu dù đã rách mất chữ hay úa vàng, các nhân chứng lịch sử để góp phần xây dựng hoàn thành bộ sách.
Để thực hiện bộ sách, Ban Biên soạn của Ban Liên lạc trước hết đã dầy công tìm đọc, nghiên cứu lại các Văn kiện Chính trị của Đảng, Bộ biên niên sử Nam bộ kháng chiến, đặc biệt là sưu tầm nhắc đi nhắc lại những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức mạnh của Nhân dân, về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, về vai trò trí thức trong liên minh Công – Nông – Trí. Ban Biên soạn, Ban Liên lạc tìm nhiều cách lan truyền những thông tin ấy qua các cuộc họp; phân tích giá trị các kỷ vật, hình ảnh vừa sưu tầm để thấy được giá trị quí báu chứng minh tư tưởng của Hồ Chí Minh, đã biến thành niềm vui, tự hào và tâm huyết cùng nhau tiếp tục thúc nhau lục lọi tìm kiếm những con người thầm lặng bị lãng quên, các kỷ vật bé nhỏ bị cất quên đâu đó mà khi tìm thấy đã chứa đựng cả một trời ký ức lịch sử. Các thành viên Ban Liên lạc đã tìm kiếm, đến gặp gỡ, động viên các cán bộ, chiến sĩ thuộc các Tiểu ban Trí vận (vận động giới cựu dân biểu, viên chức cao cấp trong bộ máy cầm quyền Sài Gòn, các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu khoa học, giáo sư các trường đại học, trí thức trẻ, trí thức tư sản, trí thức Việt kiều, xây dựng lực lượng nòng cốt trong các tổ chức hội đoàn, tổ chức nghiệp đoàn công khai… mở rộng khối đại đoàn kết mọi tầng lớp Nhân dân yêu nước theo Cương lĩnh và Chương trình hành động của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Tiểu ban Giáo vận (giáo chức công và tư), Tôn giáo vận (chức sắc các tôn giáo, giáo dân và phật tử…), Tư sản vận (các tầng lớp tư sản, doanh nhân) và Khối Văn phòng Ban (Tổ chức xây dựng phát triển mạng lưới Đảng trong Ban ở nội thành, cùng với bộ phận nghiên cứu huấn luyện trong nội đô và vùng ven đô – Nhà in Trí thức Mới tại nội thành, lực lượng giao liên nội đô, các gia đình cơ sở, đường dây giao liên của Ban với Khu ủy và mạng lưới bí mật – hoạt động đơn tuyến công khai nội thành, đội vũ trang chiến đấu), thành lập Tổ nòng cốt bao gồm các đại diện cho từng Tiểu ban từng bộ phận của Ban: trước hết là vận động mọi người cùng sưu tầm, phát hiện, tìm kiếm lại các kỷ niệm, kỷ vật, hình ảnh, những bức thư tình của các cặp đôi vợ chồng xa cách trong nội thành và ngoài chiến khu, tư liệu báo chí Sài Gòn, Thư viện tổng hợp, Bảo tàng, Báo chí Sài Gòn, các vụ xử án tại tòa án Sài Gòn, đặc biệt có các lưu niệm kỷ vật từ trong nhà tù mang tính lịch sử của các đồng chí từng bị địch bắt được phục vụ cho công việc viết sách. Từ đó tạo được sự nhất trí và nhiệt tình tham gia thực hiện viết bài, cung cấp tư liệu, hình ảnh, kể lại các dữ kiện lịch sử, để nội dung sách phản ánh đầy đủ hoạt động đấu tranh của các tổ chức nghề nghiệp, các phong trào liên kết nhiều tầng lớp xã hội tham gia. Từ các hoạt động của Ban Liên lạc đã cung cấp nhiều chất liệu quan trọng và đặc biệt là cách thể hiện trong cách đặt tên bộ sách, các tên tiểu mục trong các chương và dành cho sách có nhiều hình ảnh quí hiếm và mang cả hơi thở nụ cười lạc quan của các chiến sĩ trên Mặt trận dân vận đô thị Sài Gòn trong chiến tranh, minh họa thuyết phục người đọc trẻ hôm nay. Những sáng kiến vào việc biên soạn và sắp xếp tỉ mỉ để hoàn thành bộ sách, vừa mang đậm chất sử thi, vừa mang tính văn học, từ trái tim đến trái tim, góp phần tôn vinh truyền thống yêu nước, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sáng ngời tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần thiết thực phát huy truyền thống yêu nước thương dân, gợi mở thêm nhiều sáng kiến mới cho các công trình đại đoàn kết toàn dân tộc đối với đội ngũ cán bộ Mặt trận, thế hệ trẻ, nhất là trong giới trí thức trẻ hôm nay.